Chim Việt Cành Nam          [  Trở Về   ]
Khoa Cử Việt Nam - THI HƯƠNG
-
Phần Thứ Hai - Chuẩn Bị
-
Chương Ba

 ÂN TỨ - LỄ TẠ
-
Nguyễn Thị Chân Quỳnh

I - ÂN TỨ

Ân tứ là những phẩm vật của vua gia ơn ban thưởng cho các Tân khoa sau lễ Xướng danh như mũ áo, vải lụa, tiền bạc vv..

A - Mũ áo Cử-nhân

- Năm 1825, định lệ mũ áo Cử-nhân như sau :

1 mũ (quan) mầu tím, gọi là mũ Tú-tài, có hai hoa bạc đính ở mặt trước và mặt sau ;

1 lưới (võng cân) để bịt tóc, buộc bằng hai giải ;

1 y (áo), trước kia may bằng vải xanh, từ 1825, bằng sa màu bửu lam, lót lụa trắng ;

1 thường, loại áo liền với xiêm, không tay, mầu lam ;

1 đôi tất (miệt) ;

1 đôi hia đen (oa) ;

1 cái hốt bằng gỗ (1).

Thời Gia-long, vì cần người gấp, ai đỗ Hương-cống là được bổ ngay làm Tri huyện, hàng lục phẩm (mũ áo các quan từ lục, thất phẩm xuống đến cửu phẩm mầu sắc không khác nhau mấy).

- Năm 1834 định lệ trước kỳ thi một tháng, các quan sở tại phải may sẵn mũ áo cho Cử-nhân :

Trường Thừa-thiên, Nghệ-an : 35 bộ

Trường Gia-định, Thanh-hóa : 25 bộ

Trường Hà-nội, Nam-định : 40 bộ (2).

- Ngoài mũ áo, các ông Tân khoa còn được vua ban 1 cái lọng xanh cùng quà cáp như vải lụa, tiền bạc vv. S. Baron kể rằng thời Trung Hưng ngoài tiền thưởng, các Tân khoa được ban vải lụa trị giá khoảng bốn đô la. Năm 1888, trường Nam-định cho thêm mỗi người một đôi giầy vân hài.

Thời Pháp thuộc, tại trường Nam-định, do Toàn quyền hay Thống sứ phát quà.

- Khoa 1891 bế mạc ngày 16/12, ngày 18/12 Toàn quyền de Lanessan đặc biệt tiếp các ông Tân khoa mặc lễ phục và quan trường mặc phẩm phục tại phủ Toàn quyền ở Hà-nội, tặng cho 3 ông Cử-nhân đầu danh sách mỗi người 1 đồng hồ quả quýt (bỏ túi) kèm sách học để thi Hội và thi Ðình. Ra khỏi phủ Toàn quyền, các ông Cử mới đến chào Kinh lược Hoàng Cao Khải, hai ông một xe kéo có hai người phu đi bộ che lọng.

- Khoa 1900, tại dinh Công sứ Nam-định, Toàn quyền Doumer tặng các Cử-nhân đỗ cao một đồng hồ quả quýt vỏ vàng, Cử-nhân đỗ thấp, một đồng hồ vỏ bạc.

- Khoa 1906, tại tòa sứ Nam-định, Thống sứ Bắc kỳ Groleau tặng các Tân khoa đồng hồ quả quýt, hộp bạc đựng thuốc lá, lọ mực bằng bạc (3).

B - Yến Lộc-minh

Ngày yết bảng, các ông Cử mới được ban mũ áo, hôm sau đãi yến, thường gọi là yến Lộc minh, là yến vua ban cho quần thần (4). Yến giống như cỗ thường, có thêm bánh bằng bột mầu sặc sỡ, cũng có khi cầu kỳ : trên mặt bát nấu bầy hình long, ly, quy, phụng bằng giấy trang kim. Thời nhà Nguyễn, yến do ông Tổng đốc trích tiền kho ra sai người làm, đãi ở Thí viện, Vọng cung hay Ðốc bộ đường (dinh quan Tổng đốc). Năm 1841, ban bạc thay yến (5).

Thời Pháp thuộc, tại trường Nam-định :

- Khoa 1886, từ 10 giờ sáng các Tân khoa đến Vọng cung để quyền Tổng Trú sứ Lưỡng kỳ Trung Bắc thết tiệc sâm banh, sau đó mới đến dinh Tổng đốc Nam-định dự yến.

- Khoa 1888, buổi trưa, Tổng đốc thết yến ngay tại nhà Thập đạo chứ không ở dinh như thường lệ, với sự hiện diện của các viên Tổng Trú sứ, Công sứ Nam-định, Kinh lược sứ. Ngoài các món ăn Việt lại có cả món Tây. Buổi tối, Công sứ thết tiệc các quan trường và quan hàng tỉnh.

- Khoa 1891, yến tiệc đặc biệt được tổ chức tại dinh Kinh lược sứ ở Hà-nội, nấu toàn món Tây do hai đầu bếp nổi danh người Pháp nấu. Sau yến tiệc lại có khiêu vũ đến 4 giờ sáng (6).

- Năm 1909, đãi ở dinh viên Công sứ Nam-định, với sự hiện diện của các quan hàng tỉnh Nam-định (7).
 

I I - LỀ TẠ

A - Tạ ơn Vua

Các Tân khoa được vua lấy đỗ, lại ban mũ áo, quà cáp, yến tiệc nên phải làm lễ tạ ơn. Nếu ở ngay Kinh thành thì được diện kiến để lạy tạ, nếu ở các tỉnh xa xôi như Nam-định thì làm lễ tạ ở Vọng cung, hoặc tại ngay Thí viện.

Huỳnh Côn, Cử-nhân khoa 1868 trường Thừa-thiên, kể đã được dự yến ở bộ Lễ, sau đó lần đầu tiên mặc mũ áo vua ban tập lễ tạ để bốn hôm sau vào bệ kiến, thực sự chỉ là lễ trước cái ngai bỏ trống. Sau đó, các Tân khoa trở lại bộ Lễ lĩnh bằng Cử-nhân và dự bữa tiệc cuối trước khi chia tay.

B - Lễ Thích-điện và tạ Khảo quan

Ngoài lễ tạ ơn Vua, các Tân khoa còn phải đến Quốc tử giám làm lễ Thích điện tức là lễ cáo với Tiên sư (Khổng Tử) và làm lễ tạ ơn các Khảo quan hoặc ở Thí viện, hoặc ở Ðốc bộ đường.

Thời Pháp thuộc, các Tân khoa phải đến cả dinh Công sứ để tạ ơn.
 

CHÚ THÍCH

1 -BAVH, No 3, 1916 - P.H. Chú, Quan Chức Chí, tr. 107 - Thực Lục, VII, tr. 180.

Hốt bằng ngà hay gỗ, lúc mặc triều phục hai tay cầm ở trước ngực. Theo Kinh Lễ, trên hốt có khắc ba chữ "Tư đối mệnh" (= phải nhớ làm hết bổn phận để đáp lại ơn vua). Mặt sau hốt chép những điều cần tâu vua kẻo khi vào chầu quên đi. Lại có một cái gương nhỏ để sửa mũ áo khi vào chầu vì sáng dậy sớm đi chầu, ăn mặc vội thường không tề chỉnh.

2 - Thực Lục, XIV, tr. 186 ; XV, tr. 36.

3 - Ð.H. Thụ, Làng Hành-thiện..., tr. 231 (khoa 1891), tr. 240 (khoa 1900), tr. 249 (khoa 1906).

4 - Thực Lục, XXV, tr. 184. Lộc minh là một bài thơ trong Kinh Thi, thiên Tiểu nhã.

Có chỗ chép là Lệ minh..

5 - Thực Lục, XXIII, tr. 262.

6 - Ð.H. Thụ, Làng Hành-thiện..., tr. 221 (khoa 1886), tr. 229 (khoa 1888), tr. 231 (khoa 1891).

7 - Concours triennal 1909, tr. 13.
 

LỀ TẠ ƠN CHÚA TRỊNH

Chúa Trịnh dựng lầu Ngũ-long ở phường Cựu-lâu, huyện Thọ-xương, phía ngoài cửa Tuyên-vũ kinh đô Thăng-long, để tới khoa thi Hương ra đó nhận lễ các Hương-cống tân khoa bái mạng. Lầu cất cao chót vót, chia ra hai từng, chung quanh đắp năm con rồng vàng nổi nên gọi là lầu Ngũ-long. Thân rồng dát bằng mảnh sứ Tầu, vây rồng bằng đá cẩm thạch, những khi mặt trời soi vào, mình rồng óng ánh như đang cử động. Trước lầu có một rặng muỗm cổ thụ, gốc rễ sần sùi, đứng xa trông như đàn voi ngựa phủ phục. Từng trên lầu là chỗ Chúa ngự, từng dưới là nơi thiết yến.

Mỗi khoa thi Hương, trường Phụng-thiên (Thăng-long) sau khi kéo bảng, các ông tân khoa lĩnh mũ áo mặc vào rồi theo quan trường đến lầu Ngũ-long bái mạng Chúa. Hôm ấy nhân dân ở kinh đô bảo nhau nghỉ công việc, nô nức ra đứng hai bên đường xem mặt các tân khoa.

Giờ thìn, đội quân nhạc và ban nữ nhạc rước Chúa từ trong phủ ra, đi tiền đạo là cờ quạt cùng các đồ nghi trượng. Kế đến 300 lính cầm hèo sơn son rồi đến kiệu Chúa. Chúa ngồi kiệu kim-long che 1 tàn tía và 12 quạt vả thêu long phượng. Thế tử cưỡi ngựa, yên thiếp vàng, đeo nhạc vàng, đi bên kiệu. Ðằng sau có hơn một vạn quân các đội Thị-hậu, Nghiêm-nhất, Hùng-trung vv... cầm khí giới và các quan văn võ cưỡi voi ngựa đi hộ vệ. Cuối đám rước là quan trường ngồi võng trần che lọng theo sau.

Tới lầu Ngũ-long, quân lính đứng giàn ra hai hàng, Chúa và Thế tử bước lên lầu. Chúa ngồi trên sập hay trên võng. Thế tử ngồi ghế bành, các quan phủ liêu đứng hai bên.

Ở dưới lầu các quan trường đọc tên tuổi các tân khoa xong, các ông theo thứ tự bước vào chiếu làm lễ bái mạng, lạy năm lạy ba vái rồi chia ngồi hai bên ăn yến, có nhạc công cử nhạc giúp vui. Ông tân khoa nào nổi tiếng văn chương hoặc là con nhà thế thần, được Chúa vời lên lầu hỏi chuyện là một vinh dự đặc biệt.

Ðỗ Bằng Ðoàn & Ðỗ Trọng Huề, Những Ðại lễ và Vũ khúc của vua chúa Việt-Nam
 
 

LỀ TẠ VÀ YẾN LỘC MINH

Chính giữa Thí viện vừa mới thiết lập một chiếc hương án. Tàn vàng, tán tía phấp phới giương trên những ngọn bạch lạp sáng rực. Cảnh tượng khi ấy mới đẹp làm sao ! Hàng mấy chục mũ cánh chuồn nghênh ngang, hàng mấy chục áo đại trào khoang khủa, rồi hàng mấy chục áo tấc mầu lam tha thướt như lưới đánh cá.

Khói trầm nghi ngút bốc trên hương án, chiêng trống theo nhau đưa ra những tiếng tùng bu.

Cuộc hành lễ bắt đầu.

Ðây mới là lễ bái vọng, quan chánh chủ khảo xúng xính vào trước. Qua năm lần hơng bái, ngài đi lùi ra và đứng sang phía bên hữu.

Ðến quan phó chủ khảo. Cũng đủ hơng bái năm lần, rồi ngài cũng lui xuống đứng sang phía bên tả.

Rồi đến các ông ngự sử, đề điệu, phân khảo, giám khảo, phúc khảo, sơ khảo, ai lớn vào trước, ai nhỏ vào sau ; mỗi ông cũng phải hơng năm lần và bái năm lần.

Hết bộ quan trường, đến lượt quan tổng đốc sở tại và văn thân các tỉnh. Cũng như hai ông chánh, phó chủ khảo, các ông sau này lễ xong cũng phải đứng ra hai bên. Ông nào ông ấy hai tay chắp trước ngực, nét mặt nghiêm trang...

Bấy giờ mới đến các ông cử mới. Cố nhiên mỗi người cũng phải năm lễ. Hết hai trăm rưởi cái lên gối xuống gối, các ông tân khoa cũng đứng dàn ra hai dẫy.

Bây giờ đến lễ tạ ân mũ áo. Hai nhăm các ông tân khoa phải sì sụp một trăm hai mươi nhăm cái.

Lần này đến lễ tạ ơn cho yến. Mỗi vị tân khoa lại phải phủ phục thêm năm lượt nữa.

Xong cuộc tạ ân nhà vua, đến cuộc tạ ân phòng sư. Những ông tân khoa đều tạ quan trường hai lễ. Lúc này mới thật là hỗn độn, ông thì lễ sang phía tả, ông thì lễ sang phía hữu, có ông lễ vung tán tàn, chẳng biết mình lễ ai.

Tan cuộc lễ, các quan và các ông cử đều ra ngoài rạp dự yến. Tiệc này là yến lộc mình, do quan tổng đốc sở tại lĩnh tiền trong kho giao cho đội tuần sửa soạn. Theo lệ, các cỗ chia làm ba hạng : hạng nhất mỗi cỗ ba quan, hạng nhì kém đi năm tiền, hạng ba thì chẵn hai quan một cỗ.

Bấy giờ ở ngoài rạp cỗ bàn đã bầy la liệt. Các quan khách và các cống-sĩ rồi các lại phòng, ai nấy cứ theo ngôi thứ mà ngồi.

Hai ông chánh phó chủ khảo ngồi riêng một bàn. Ông chánh đề điệu ngồi với các ông giám khảo. Quan tổng đốc sở tại ngồi với các khách văn thân. Ðấy là những cỗ hạng nhất, số người không nhất định.

Mấy ông phân khảo, ngự sử và phó đề điệu ngồi với các ông phúc khảo, sơ khảo. Ðây là cỗ hạng nhì, mỗi bàn bốn người.

Các ông cử mới và các lại phòng đều ngồi vào cỗ hạng ba. Cử-nhân mỗi bàn cũng bốn người, lại phòng thì phải sáu người một bàn.

Các bàn ngồi vào vừa yên chỗ, ngoài cửa nghe có tiếng dép lẹp kẹp. Một lũ đào kép lố nhố tiến vào trước rạp với các sênh phách, đàn trống. Thì ra hôm ấy là ngày đại yến, bao nhiêu danh ca trong tỉnh đều bị gọi đến hầu tiệc. Ðào Phượng, đào Cúc cũng có ở đó. Sau khi vái chào các quan, hai đào một kép xin phép ngồi xuống chiếc chiếu trải ngoài cửa rạp, còn các ả khác thì đến các mâm rót rượu.

Theo lời đề cử của quan tổng đốc sở tại, ông thủ khoa mới phải đánh trống chầu. Người kép liền đệ trống và roi chầu đến chỗ Vân Hạc.

Trống điểm, đàn dạo, phách giục chát chát, tiếng hát bắt đầu ngân dài, các bàn lần lượt lên chén.

Lúc ấy người ta mới kịp ngó tới các món trong mâm. Ðại để gần giống những món trong các đám khao, đám cưới, cũng giò chả, cũng ninh nấu, cũng yến sào, vây cá, bào ngư, long tu... chỉ hơn bốn bát trên mặt có cài những mảnh trang kim trổ hoa vẽ thuốc, sặc sỡ như tờ trang kim ở hòm pháo. Ðó là mấy món tứ linh : món long nấu bằng cá chép, giấy trang kim trổ hình vây rồng, vẩy rồng ; món phượng nấu bằng con gà, giấy trang kim trổ hình cánh phượng, đuôi phượng ; món quy nấu bằng con vịt, giấy trang kim trổ hình mai rùa, đuôi rùa ; món ly thì là một chiếc chân lợn, giấy trang kim làm ra đầu, đuôi và bờm kỳ lân.

Ðàn càng réo rắt, phách càng giòn giã, tiếng hát càng lên cao giọng, cuộc rượu mỗi lúc càng thêm vẻ nồng nàn. Vân Hạc đánh hết hai khổ, chàng liền nhường trống cho ông Á nguyên.

Theo lệnh quan chánh chủ khảo, một tên lính hầu đệ bút mực và bức hoa tiên đến chỗ Vân Hạc để chàng làm thơ niên nghị.

Việc này chàng đã dự bị từ đêm hôm qua, bây giờ chỉ phải soát lại một lượt xem có chữ nào đáng chữa hay không, rồi chàng viết luôn một bài ngũ ngôn Ðường luật đưa sang trình quan chủ khảo.

Với những chữ nét sắc như cắt và tươi như hoa viết trên một bức hoa tiên bóng bẩy, bài thơ như càng thêm vẻ xuất sắc, ông chánh chủ khảo coi rồi mỉm cười khen được và gọi một người lễ sinh ngâm cho cử tọa cùng nghe. Bằng một giọng kêu như tiếng chuông, người lễ sinh đọc :

Thịnh thế văn phong uất,
Thu vi sỹ lộ hoành,
Long môn tân điểm ngạch,
Hoè thị cựu tri danh.
Hồng bạch hoa tranh diếm,
Bình cao lộc cộng minh
Như hà tương miễn lệ ?
Vạn lý khán bằng trình.

Trên tiệc, ai nấy đều phục là giọng thủ khoa. Rồi bức hoa tiên lại trở về chỗ các ông cử mới. Mỗi ông liền sao một bản để làm kỷ niệm.

Cuộc rượu thêm vài tuần nữa, cả đám đều có vẻ say, tiếng cười nói không lúc nào ngớt. Bấy giờ bao nhiêu ả đào đổ xô cả đến chỗ mấy ông cử trẻ. Chung quanh Vân Hạc, Ðốc Cung, ngoài đào Phượng, đào Cúc ra, lại có bốn năm ả khác xoắn lại như nhựa. Mấy cụ cử già đành chịu ngồi trơ với nhau.

Cuộc yến kéo dài đến cuối giờ ngọ mới tan. Các món tứ linh đâu vẫn nguyên đó, không ai động đũa. Mỗi ông cử mới nhận lấy một món và vài ba thứ bánh trái, giao cho đầy tớ gói lại làm phần để đem về biếu người nhà, gọi là chút ơn vua lộc nước.

Trước khi mọi người ra về, quan tổng đốc sở tại tặng cho mỗi ông cử mới một chiếc lọng xanh chóp bạc, sai lính đưa về tận nhà trọ cho ông ấy.

Ngô Tất Tố, Lều Chõng